Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Buổi Sáng Sinh Phần1

lon to Lùi - Tiếp theo >> Trang 1 trong tổng số 2 Buổi Sáng Sinh Phần Tác giả: Trần Vũ Mưa vẫn còn rơi lai rai khi Ðiềm vào tới nghĩa trang. Hai ven đường mồ mả mọc đìu hiu nằm men sau dẫy tường thấp. Gió thổi bời rời, phe phẩy dăm ba hột mưa ảm đạm. Chàng trả tiền cho người phu xe dặn ngồi đợi. Ðiềm còn đau râm ran trong bụng, không đau xẻ ruột đứt gan và ói máu như lúc nằm viện, nhưng là cái đau dai dẳng chậm rãi âm ỉ. Chàng cố dỗ dành viên mụt nhọt thâm sâu trong dạ dày khi bước vào cổng. Bà cụ già ngồi bán nhang chào mời chàng với ham răng nhuộm. Ðiềm mua lấy một bó đến thắp ở miếu thổ thần. Mùi nhang đốt, hương đèn xông nghi ngút, khói cay bỏng mắt đột ngột đưa chàng vào hẳn thế giới của người chết. Bó nhang chập một bén lửa cứ phựt lên làm Ðiềm phải vẩy mấy lần trước khi lâm râm khấn rồi cắm vào bát sành. Vài ngọn gió lùa tha theo nước mưa vào trong miếu làm chàng gây gây lạnh. Ðiềm lại thấy đau nhói trong phủ tạng, chàng chờ cho khỏe lại rồi mới đi quanh quất giữa những hàng mồ mả. Nghĩa trang hiu hắt, hoang vắng. Thế giới sau lưng con người chỉ phơ phất mấy đường mưa chảy lăn ròng trên bia đá. Trời mưa ri ri suốt cả một buổi làm bầu trời xám ngắt như đã ngã về chiều dù chỉ mới quá trưa. Hai ba giọt nước luồn qua cổ áo khiến Ðiềm rùng mình ớn lạnh. Chung quanh miếu thổ thần mộ lập san sát nên Ðiềm chỉ nhìn lướt các kiểu bia xây. Nhiều tấm bằng đá hoa chạm đẹp, nhiều tấm cẩn xà cừ, và những tấm đá thạch đơn giản chỉ mài nhẵn. Những bia mộ làm Ðiềm xúc động. Những đôi mắt người chết nhìn chàng u uất trên dòng chữ khắc mặc niệm. Vợ hiền lập mộ. Em và các con thương nhớ anh hoài. Bố mẹ thương con vô cùng... Lác đác vài vòng hoa cườm bằng nhựa lây lất trên đầu mộ chí, người ta quên đem về đã phai nước sơn nhưng còn đọc được những chữ Thành kính phân ưu. Ðau xót chia buồn. Thương tiếc tiễn đưa... Chàng buồn buồn đi rảo qua lối đi nhỏ, tiếng cỏ tranh lay chạm lào xào như có ai than. Thân phận kiếp người quá là mong manh. Sống gửi thác về, tro tàn bụi cát, hồn phách tiêu tán. Gió thổi nâng đong đưa vài miếng tro nơi đống vàng mả ai đó vừa đi thăm mộ đốt xong. Phiến tro bay trĩu trĩu theo mùi nhang đưa từ ngôi mả mới cắm. Ðiềm đi sâu vào trong. Những người khuất mặt còn lưu trữ chút chân dung qua di ảnh vẫn theo dõi chàng. Có người mất thật trẻ, hưởng dương hai mươi mốt tuổi, kẻ thất lộc ngoài tám mươi. Ðiềm đi tới cuối nghĩa trang chỗ có bức tường đổ xiêu trông qua mấy dãy nhà lợp tôn phía Tân Sơn Nhất. Mồ mả đan kín không còn đất trống. Chàng phân vân nửa muốn trở ra sang khu nghĩa trang bên kia đường, nửa muốn đi tiếp sâu vào hướng ngược lại con đường dẫn ra miếu thổ thần. Ðiềm còn chần chừ thì nghe tiếng người gọi: - Cậu kiếm mả ai? Chàng giật mình quay lại, bắt gặp một cụ già đứng cách mấy hàng bia. Ông cụ đi giày tây nhưng vận áo dài, chít khăn nhiễu và cắp ô đen. Trời gió thổi hai vạt áo the rung rung. - Thưa cháu kiếm đất. Ðiềm trả lời. - Cậu cũng người Bắc à? Ông cũ lại hỏi, nét vui mừng mà phúc hậu. - Dạ, cháu sinh quán Hải Dương. - Quý hóa quá! Tôi là Chương, người huyện Tiên Sơn tỉnh Hà Bắc, hân hạnh biết cậu. Nhưng kiếm đất ở đây làm sao có, khu này họ xây choáng hết cả rồi. Nếu cậu không vội, theo tôi sang đằng này họa may. - Dạ, cám ơn cụ chỉ đường. Ông cụ phát tay, chỉ về hướng tượng Quan Âm xây ở đằng xa, ra dấu bảo Ðiềm đi theo. Trời mưa lâm râm không nặng hạt nhưng ông cụ vẫn giăng ô, hai ống quần lụa giặt trắng phau. Chàng để ý thấy đôi giày tây của cụ Chương còn mới nguyên chưa mòn đế. - Cậu kiếm đất cho ai? Cụ Chương bỗng hỏi. - Dạ, không dấu gì cụ... cháu muốn mua sẵn một miếng đất cho mình. Ðiềm hơi ngần ngại, nhưng rồi cái phong thái hồn nhiên của cụ Chương giúp chàng nói thật. Chàng bỗng thấy mình khỏe hẳn sau khi nói ra mục đích đến nghĩa trang. - Ối giời! Còn trẻ thế mà đã lo xa kia à? Xem như là chúng mình đồng bệnh tương lân rồi nhé! Cứ coi như ta đã là tri kỷ! Cụ Chương bật cười lớn khoác vai chàng tương đắc. Ðiềm không hiểu gì khi thấy ông cụ đưa tay làm loa gọi những người khác. Cụ Chương tươi cười: - Lâu lâu mới gặp một người còn trẻ mà đã cẩn thận biết lo chốn yên nghĩ của mình, chúng tôi quý lắm. Người xưa vẫn dạy cái phần mả bao giờ cũng là trọng, mà tuổi trẻ đời nay họ chỉ ham sống. Thật bụng chỗ đồng hương với nhau, gặp cậu tôi rất cảm kích, sẵn có vài người bạn đằng mả, nếu cậu cho phép xin được giới thiệu. Ðiềm còn đang chần chừ do dự không biết tính sao, thì đã thấy mấy người từ dẫy mộ phía trong đi ra. Cụ Chương vừa kéo tay chàng vừa vẫy họ. - Các ông lại đây! Có anh bạn trẻ này hợp với chúng mình lắm! Người đàn ông đi đầu tuổi trạc ngoài năm mươi, tóc chải kiểu hai thập niên trước, complet cà vạt ủi hồ thật thẳng. Trông ông ta như sắp đi dự đại tiệc. Người đàn ông nói: - Tôi là Thanh, chủ hãng cưa Phúc Lợi, rất vui được biết cậu. - Không dám làm phiền bác, cháu là Ðiềm vừa quen với cụ đây. Chàng bắt tay ông Thanh. Ba người đi sau cũng vừa tới. Một cô gái mặc áo dài trắng tóc thề, một người lính trong bộ lễ phục sĩ quan Ðà Lạt và một người thương phế binh áo ngụy trang bê bết bùn đất. Người thương binh cụt chân, Ðiềm nhìn sững họ quên cả chào, lúc này mà còn mặc áo lính Cộng Hòa thì phải cómáu mặt. - Chào anh bạn! Tôi là Trình Văn Khánh! Người thương phế binh phác tay chào Ðiềm theo cung cách quân đội cũ. - Mừng anh ghé tham quan! Người sĩ quan võ bị vồn vã ôm hôn chàng, vừa vỗ vỗ vào lưng thân ái. Không quen với kiểu chào này nên Ðiềm ngượng đỏ mặt. Cô gái chỉ khẽ gật đầu nhìn chàng, không xưng tên, chỉ lẳng lặng đứng nép một bên mả. - Tôi tên Thìn, sinh đẻ ở phố Kim Mã, quận Ba Ðình châu thành Hà Nội, rất hãnh diện được đón tiếp anh hôm nay! Người sĩ quan Ðà Lạt bây giờ mới trịnh trọng tự giới thiệu. Chàng không hiểu gì ngớ người ra nghe. - Thôi bây giờ là người nhà rồi cả nhé, không cần khách sáo nữa. Nếu cậu Ðiềm không bận thì ra ngôi mả uống với chúng tôi một ly, chả mấy hôm mới có được chút rượu đế. Ta đi nào! Cụ Chương không chờ Ðiềm trả lời, thân mật nắm tay dẫn ra một chỗ mả tương đối sạch sẽ trống trải. Ông cụ vừa đi vừa kể cho mấy người kia nghe ý định tìm đất của chàng. Hai người lính bật cười ha hả còn ông Thanh thì khen ý hay, chỉ có cô gái vẫn không nói gì chỉ lẳng lặng theo sau. Trưa nghĩa trang gió buồn buồn đưa mưa qua những ngôi mộ vắng vẻ, có được vài người cùng đi kiếm đất chung thì cũng bớt cô đơn, nghĩ vậy Ðiềm mạnh dạn bước theo họ. - Nhấm nháp qua loa rồi chúng tôi đưa cậu đi coi đất, trong này thì không có chỗ nào mà chúng tôi không biết. Nhưng chọn đất là việc hệ trọng, cậu không nên hấp tấp, con cháu mai sau nhờ cả vào đó. Sáu người ngồi dưới một tàn cây nhạc ngựa, chung quanh cỏ lau, mồ mả im lắng như tờ. Ðiềm trông thấy một hàng phượng nở hoa đỏ, giữa chiều mưa in hình lên nền trời ướt nước của lối đi chính mãi tận đầu nghĩa trang. Cụ Chương không biết lôi ở đâu mấy đĩa xôi gấc, loay hoay tháo bọc ny lông phủ mặt. Ông thanh cũng rở mấy bánh oản, lớp giấy bóng kính xanh đỏ đủ màu. Thìn rót nước trà ra tách, Khánh chuyển cho mỗi người một ly đế. Cô gái ngồi im nhìn. - Làm một ly anh bạn! Khánh đưa ruợu đến chàng, vui vẻ. - Ruợu trắng hơi nặng, nhưng trời lạnh uống vào nóng ran người, thích thật! Cụ Chương gật gù khề khà. Ðiềm cũng đưa ly lên môi nhấp, rượu đế rẻ tiền cay bỏng lưỡi lại nồng nặc mùi nhang, chắc tro tàn rơi vào ly. Chàng cố chiêu ngụm rượu, lẽ ra Ðiềm không được uống nhưng trước sau thêm vài tháng thì có khác gì đâu. Nghĩ vậy Ðiềm nhắm mắt uống cạn ly, chất lỏng nóng như sôi sục trong dạ dày Ðiềm. Chàng khà một tiếng lớn. - Bạn chịu chơi lắm! Tôi phục bạn, ít người uống nổi thứ ruợu đế này! Khánh ngồi xuống cạnh Ðiềm có vẻ thích thú, anh ta nói tiếp: - Tôi là hạ sĩ quan nhảy dù, tiểu đoàn 11 của Nguyễn Ðình Bảo, bạn biết chứ? Trận Charlie tôi bị vào đây. Khánh đưa tay đập đập vào phần đùi còn sót, rồi nói không tải thương được. Khánh nốc hết ly ruợu một hơi, rồi phác một cử chỉ nửa đáng tiếc mà cũng bất cần. - Sống khôn thác thiêng, sống hùng chết vinh, trúng đạn què chân, binh chủng hào hùng thì phải bỏ mạng sa trường, poncho gói thây. Bạn đồng ý không? Ai như thằng này! Khánh nói một hơi trước khi đưa tay chỉ vào mặt Thìn. - Cứ phát biểu linh tinh! Thế nào là sống hùng chết vinh? Ði lính thuê cho đế quốc ấy à? Thìn, người mặc áo sĩ quan Ðà Lạt, đeo kiếm và mang găng trắng như sắp đi duyệt binh ngày quốc khánh, đang ngồi chồm hổm trên một ngôi mả bực bội trả lời. Anh ta gỡ cái nón kết lưỡi trai trên đầu xuống cầm tay quạt. - Rắm thối nhà anh! Cứ có tí ruợu đổ vào là chết vinh hơn sống nhục! Thìn nói thêm câu nữa, trước khi xúc miệng òng ọc bằng trà. Chờ cho Thìn nhổ toẹt bãi nước xuống đất rồi Khánh mới dằn mạnh ly. - Ðù mẹ mày! Ðội đồ đi bộ từ Bắc vào Nam gia tài có mỗi đôi dép Bình Trị Thiên, bây giờ đeo găng, mắc kiếm, mang anh dũng bội tinh Việt Nam Cộng Hoà không biết xấu hổ! Giải phóng cái con mẹ mày! Khánh chửi lại: - Này, đừng có chạm vào thành quả đấu tranh của nhân dân Nam bộ! Việc tôi mặc áo sĩ quan đeo quân hàm ngụy thì không phải do tôi muốn. Người ta lộn, đem tôi về tắm rửa cho mặc áo lính ngụy đành chịu. Lúc đó ngoài Trung tình hình găng quá, thân nhân của cái thằng lộn không ra nhận được, chờ lâu họ phải hàn xì vì sợ xông mùi. Thật tình là như thế anh ạ! Thìn quay lại phân bua với chàng. Ðiềm không hiểu họ muốn nói gì, chàng cho là cả hai chóng say đâm ra dở hơi. Nhưng Khánh thì vẫn cứ hùng hổ: - Ðù mẹ! Cứ coi là mày bị cầm nhầm, nhưng đồ ăn của gia đình thằng bị lộn vào cúng mày cứ xơi là thế nào? Còn giấu ăn riêng thì quân đội giải phóng chúng mày tệ thật! - Ðói thì phải ăn! Chứ thân nhân có biết tôi ở đâu đâu mà thăm nuôi! Sự đời nó có nhiều cái oái oăm, không biết thằng lộn bây giờ nằm đâu. Hôm ấy tắm ở suối lên chậm một chút thì chưa chắc đến nỗi, mình lại bò lên trước các đồng chí ấy, chưa kịp chòng cái áo thì bị biệt kích nó bắn. Ði không mang theo được một món kỷ niệm. Tiếc hoài cái áo trấn thủ anh Ðiềm à. Cái áo tự tay cô Miễn may lấy cho tôi có thêu cả tên họ chữ lót của hai đứa. Tiếc quá. Bây giờ nước nhà thống nhất, người ta xum họp còn tôi không biết đến khi nào mới gặp lại... Thìn thở dài thườn thượt, nhìn đăm chiêu ra cổng nghĩa trang, nhưng lối ra bị mấy hàng tranh cao che khuất. Ðiềm lạ lùng theo dõi cuộc cãi vã giữa hai người lính, chàng ngờ ngợ một chuyện gì mà chưa dám tin vội. Ðiềm thấy tay chân mình bủn rủn cả. Từ nãy vẫn có vài người đàn bào đi tảo mộ ngang qua chỗ họ ngồi. Mỗi lần Ðiềm đều để ý thấy mấy người đàn bàn chỉ nhìn một mình chàng. Mưa lâm râm gần tạnh hẳn, mùi đất xông lên ngai ngái cả một khu mả đìu hiu thê thiết. Ðiềm cứ ớn lạnh từng chập, chàng nhìn mấy người ngồi quanh thấy họ tự nhiên như không. Chàng muốn bỏ đi mà không nhấc nổi chân. Ông Thanh bóc một bánh oản mời chàng. - Cậu xơi miếng bánh! Còn hai anh kia thôi cho tôi can, nể mặt cậu Ðiềm với chứ. Xin lỗi cậu Ðiềm nhé, ngày xưa họ đánh nhau chưa chán nên bây giờ cứ gặp nhau là kiếm chuyện thù oán. - Này ông Thanh! Không có bọn lính tráng tụi này xả thân bảo vệ lãnh thổ cho ông làm ăn để tụi nó vào đặt chất nổ khủng bố, thì có mười trại cưa Phúc Lợi ông cũng không mở được. Ðừng khi dễ bọn này chứ! Khánh quay sang cãi nhau với ông Thanh. Ông chủ hãng Phúc Lợi chưa kịp có ý kiến thì Thìn đã chõ vào: - Bảo vệ lãnh thổ? Nghe thối! - Thôi thôi! Tôi đã bảo hai anh thôi là thôi. Câu Ðiềm đâu có vào đây nghe hai anh cải nhau. Chuyện cũ qua rồi, tôi bây giờ cũng không còn điều khiển trại cưa nữa. Cậu thấy tôi nói có phải không cậu Ðiềm? Họ hăng máu quá, cái thời trẻ của tôi đâu có như vậy, lúc ấy tôi chỉ nghĩ làm sao học một nghề kiếm ăn lương thiện có ích và hữu dụng, có vốn rồi mở một cơ xưởng để của cho con cháu nhờ... Suốt cuộc đời tôi chỉ ước vọng có bấy nhiêu, thế mà tôi không đạt được cậu Ðiềm à, khi đau bệnh gan không làm việc được nữa, tôi để lại cho vợ con cả một cơ sở phồn thịnh. Vợ chồng thằng cả đưa nhau trốn ra nước ngoài bị bắt, cơ xưởng máy móc ván gỗ họ tịch biên hết, mẹ chúng nó vào đây than thở, nghe mà tôi cứ khóc ròng, bao nhiêu năm gầy dựng chớp mắt đổ đi. - Chính sách nhà nước bao giờ cũng đúng đắn, để phường tư sản các anh lũng đoạn thị trường cạnh tranh vô tổ chức ấy à! Thìn lại chõ vào câu chuyện, không nể nang. Ðiềm tưởng ông Thanh sẽ trả lễ ngay, nhưng không ngờ ông ta chỉ nhỏ nhẹ đáp. - Các anh cứ cho chúng tôi là giai cấp bóc lột, nhưng thật sự nếu không có các cơ sở thương mãi của chúng tôi, những hãng xưởng thủ công nghiệp mà các anh gọi là tư sản dân tộc, thì nhiều người dân mà các anh tự hào là chiến đấu cho quyền lợi của họ không có công ăn việc làm đâu. Kinh tế nước nhà cũng không phát triển vì thiếu vốn đầu tư. Xã hội nào, tầng lớp nào cũng có kẻ xấu người tốt, đừng nên vơ đũa cả nắm thế. Tôi nói thế đúng không cậu Ðiềm? - Dạ, cháu cũng nghĩ như bác. Ðiềm trả lời, chàng bị hút vào các mẩu tranh luận của họ mà bấy lâu nằm bệnh chàng ít khi được tham dự. Chàng ngờ ngợ họ không phải là người sống, một lúc chàng đã ớn lạnh khắp cả người, nhưng rồi Ðiềm lại thấy họ bình thường quá, thật quá, còn sống động hơn cả người thật. Có thể nào mấy người này đang đóng kịch để trêu chàng. Nghĩ kỹ rồi Ðiềm thấy không đúng, làm sao đóng kịch tài đến như thế. Nhưng nếu họ là ma thì Ðiềm lại thấy không có gì để sợ. Trời còn sáng, người phu xe còn đợi chàng ngoài cổng. Hơn nữa... chậm nhanh một vài tháng Ðiềm cũng vào nằm trong này. Làm bạn với họ trong một vài tháng, hay làm bạn bây giờ thì cũng thế. Nghĩ vậy chàng không còn thấy sợ. Mấy người trong bọn chia nhau xôi gấc. Cũng loại xôi bán để cúng. Phẩm đỏ loẹt gặp mưa dính nhớp nháp ra tay. Bận ăn, hai anh lính thôi cãi nhau, ông Thanh cũng im lặng. Cụ Chương từ nãy không nói gì cứ lâu lâu nhìn chàng tủm tỉm cười. Cô gái thì ngồi xõa tóc, lâu lâu thu vén những giấy rác mấy người đàn ông bày bừa. Ðiềm thấy thiếu nữ trông mặn mòi, hai con mắt đen láy, tóc óng ả như lụa. Chàng đang định bụng hỏi chuyện nàng thì nghe tiếng xột xoạt ở mả bên. Tiếng cười con gái rúc rích. Tiếng vải quần tuột mau. Giọng đứa con gái nũng nịu rinh rích. - Anh trả tiền em trước đi! - Thì xong rồi đưa, có mất đi đâu. - Thôi đưa tiền em liền đi, nghe! - Ừ, thì đưa. Bộ em hay bị quỵt lắm hả? - Cũng có bị, nhưng có tiền trước em mới phấn khởi! - Rồi đó. Bây giờ thì phu với cho ngon coi! Giọng đàn ông cười hình hịch dâm đãng. Ðứa con gái vẫn cứ cười rúc rích. Thấp thoáng sau mấy cành lau sau lưng mả Ðiềm trông rõ cái bụng trắng tươi của đứa con gái làng chơi. Cánh tay nó lúc đưa lên níu cổ gã đàn ông, khi buông để giữ vạt áo bà ba cho khỏi rớt xuống đùi làm vướng víu. Gã đàn ông làm hùng hục như trâu kéo cày. Ðiềm chợt thấy Khánh và Thìn nhảy leo lên nóc mộ chỗ cặp trai gái đang làm tình để nhìn. Thìn cười hô hố chỉ trỏ mỗi khi gã đàn ông đổi kiểu, còn Khánh huýt sáo khi nghe đứa con gái rên ư ử. Kỳ cục là họ đứng ngay trên mả ngay chỗ cặp trai gái đang chơi mà gã đàn ông với đứa con gái vẫn tiếp tục làm tình. Bất chợt đứa con gái ngẩng đầu ngước nhìn bốn phía, nó chợt thấy Ðiềm ngồi ở bên này. - Chết rồi có người! Anh! - Ðâu? Ai? - Dậy đi anh! Mặc đồ vô! Ði! Gã đàn ông cũng vừa trông thấy chàng, hắn hối hả kéo quần dắt đứa con gái chạy đi. Khánh và Thìn cũng nhảy xuống đất chạy theo coi. Ðứa con gái chòng được cái quần lãnh đen nhưng còn chưa kịp cài nút áo tất tả chạy theo gã đàn ông. Ðứa con gái vừa chạy vừa nói léo nhéo: - Ðừng vô miểu thổ thần tội lắm anh! Qua bên kia kìa, mà coi như xong một cối rồi nghe anh! Phải trả em thêm đó! - Xong cái gì! Người ta chưa ra mà! Sao em chơi đểu vậy? - Chứ còn gì nữa, chẳng lẽ nảy giờ chùa sao! Khánh và Thìn chạy đuổi theo sau cười nắc nẻ, nhưng cặp trai gái làm như không thấy hai người lính vẫn léo nhéo vừa chạy vừa mặc cả. Trời tạnh mưa, chút nắng muộn le lói soi khu nghĩa địa. Bốn người cùng chạy nhưng chỉ có hai cái bóng của cặp trai gái phơi trên lối đi đất. Cả bốn xa dần và khuất hẳn. Cụ Chương chờ cho tất cả trở lại yên tĩnh rồi mới lên tiếng. - Tội nghiệp! Hai anh lính vào trong này giữa lúc đời họ còn sôi động quá. Còn dở dang tuổi trẻ nên họ ham vui, đôi lúc hiếu thắng, có lúc lại bất mãn tất cả. Tôi hiểu họ còn vướng nhiều bụi trần chưa dứt được, nên hay theo khuyên bảo nói chuyện với họ. Cái phần số không do mình định đoạt, cũng không do thượng đế đâu, do ở cái tiền kiếp lúc trước ăn ở thế nào kiếp này chịu vậy. Thượng đế không có bất công với ai, không có quýt làm cam chịu, mà ai làm người nấy nhận. Tôi ở trong này trên hai mươi năm rồi, gặp đủ hạng người, đủ khắp các thành phần nên tôi hiểu rõ con người ta lắm. Con người ta nhiều lúc đáng thương mà nhiều lúc cũng đáng ghét. Không biết ông bạn Thanh với cậu Ðiềm và cô Thủy nghĩ thế nào, nhưng tôi thì thấy con người ta là nạn nhân của chính mình mà lại thường đổ tội cho trời cao không có mắt. - Thưa, cháu muốn hỏi cụ một điều không biết có nên chăng? Ðiềm ngắt lời cụ Chương. Tự nhiên anh cảm thấy mến cái thần thái ung dung tự tại, phong cách chấp nhận cuộc đời, kiếp người ngay cả sau khi chết của ông cụ. - Cậu cứ hỏi không việc gì mà ngại. - Cụ vừa bảo nằm ở đây trên hai mươi năm, sao vong hồn không được siêu thoát? - Trả lời cho cậu tôi cũng không biết nói thế nào, chuyện ấy ngoài thẩm quyền của chúng tôi, nhưng thời buổi nhiễu nhương của chúng mình bây giờ hồn âm khó mà siêu linh tịnh độ. Lũ chúng tôi ở đây không có ai được lên cõi niết bàn, mà đều chờ vào vòng luân hồi, chậm hay mau thì tùy thuộc vào ân đức của mình khi sống để lại. Lúc còn sinh tiền tôi không thấy mình có làm điều gì xấu, nhưng biết đâu! Có chuyện mình không cho là xấu mà nó vẫn cứ xấu, mà mình không nghĩ ra thôi. Nhưng cứ chờ mãi rồi mình đâm ra tin mình đã làm chuyện xấu, đành phải thay đổi cách nhìn chấp nhận ở đây vậy. Ở riết lại thấy trong này cũng vui vui cậu Ðiềm à. Chẳng hạn cái cảnh giang hồ vừa rồi, cái thời tôi còn ở vùng quê mình ngoài Bắc làm sao có. Lúc ấy trai gái gặp nhau thì chỉ hát quan họ. Cậu biết quả đồi Lim không? Chùa Lim, xã Lim bên cạnh sông Tiêu Tương, làng tôi là cái nôi quan họ cổ truyền đấy! - Lúc di cư cháu chỉ trên mười tuổi nên bây giờ không nhớ gì, thưa cụ. - Ối giời ơi! Hát quan họ thì mê lắm lắm! Âm điệu của nó du dương tỏa khắp cả người mình. Cái giọng con gái Bắc Ninh mới chết! Cụ Chương nói rồi liền cất giọng hát: Em là con gái Bắc Ninh Em nghiêng vành nón mái đình nghiêng theo Tòa sen Phật muốn lặng thinh Nghe em ca bỗng thấy mình trần gian Quê em sóng, nhịp, gió, đàn Nắng thêu nên nhạc, trăng vờn nên thơ Tiêu Tương dấu cũ con đò Xuống sông nỗi nhớ, ngóng hờ nỗi thương... - Mấy chục năm rồi mà tôi vẫn không quên mấy câu hát ấy, nó như ăn vào hồn mình. Trần Linh Quý làm bài hát ấy nổi tiếng cả vùng Bắc Ninh. - Cậu Ðiềm rảnh rang thì vào đây nghe cụ Chương hát quan họ, kể chuyện hội Lim thú lắm. Ông Thanh nói với chàng. - Cụ Chương còn biết nhiều thắng cảnh miền Bắc, những đêm trăng bọn trẻ chúng em thường tụ tập nghe cụ kể chuyện đi chùa Hương, chùa Keo, viếng đền Kiếp Bạc, hồ Ba Bể thích lắm. Hôm nào không bận bịu anh Ðiềm ghé chơi nhé! Cô gái tên Thủy nãy giờ mới lên tiếng. Ðiềm trông nàng duyên dáng quá. Ðột nhiên chàng thấy vui vui, buổi trưa lúc vào nghĩa địa tìm cho mình miếng đất sinh phần, chàng đâu nghĩ có cuộc gặp gỡ kỳ lạ này. Nói chuyện miên man, bâng quơ giữa kiếp người, cõi sống, cõi âm, làng quê đất tổ ngoài Bắc, cãi lộn quốc cộng giữa hai người lính, kinh tế tư bản cá thể, kinh tế Mác xít quốc doanh, Ðiềm nhận thấy cõi âm cũng khác không bao xa với cõi người sống. Ðời sống vẫn tiếp tục, kéo dài dù chỉ là những hệ lụy đem theo. Vài tháng nữa vào đây nằm, chàng không đánh mất gì nhiều, vẫn tiếp tục sống dù chỉ còn là linh hồn vấn vưởng. Nghĩ thế Ðiềm thấy chàng thật sảng khoái, không còn sợ hãi buồn chán cho số phần mình chẳng may ngắn ngủi. - Thế nào tôi cũng trở lại thăm cô với bác và cụ. Ðiềm trả lời cô gái. Chàng tiếp: - Chắc cũng chẳng còn bao lâu thì tôi vào ở luôn, nếu may mắn tìm được miếng đất. - Thế thì còn gì bằng. Ấy chết! Em nói bậy quá! ý em muốn nói là chắc bác và cụ đây đã có cảm tình với anh cũng mong gặp lại thường. Thủy nói lỡ vội chữa, nàng cười xin lỗi câu nói gỡ khi nãy. Lúc cười, Thủy có hai lúm đồng tiền nho nhỏ và chiếc răng khểnh mà Ðiềm thấy có duyên lạ. - Thôi, mình cũng sửa soạn đi tìm đất cho cậu Ðiềm đi bác Thanh nhỉ? - Ừ, mình đi kẻo muộn để cậu ấy còn về cho kịp, chiều hôm ở đây cũng ngại. Ông Thanh đứng lên theo cụ Chương. Thủy cũng đứng dậy thu vén chỗ ngồi lần chót, nàng không quên liếc nhìn chàng và cứ cười tủm tỉm. - Mình đi phía đằng này, tôi chắc còn một vài khoanh trống. Tôi không rành khoa địa lý nên khong biết đất tốt xấu thế nào, để tùy cậu định đoạt không dám ép. Mà cậu đã có đi xem ở chỗ nào khác chưa? - Thưa cụ chưa. Trước khi vào đây cháu có định lên xem nghĩa trang Gò Vấp nữa đã rồi mới quyết định, nhưng bây giờ được biết cụ, bác Thanh và cô đây thì cháu nghĩ cũng là do ý trời xếp đặt, nếu được một miếng đất đủ nằm thì cháu mua ngay không lên Gò Vấp đâu. Trăm sự nhờ cụ và bác Thanh cho. - Thôi được rồi, nếu cậu tha thiết như thế thì tôi chỉ cho một miếng đất còn chừa, đúng ra thì họ đã đặt cọc nhưng mình có thể mua lại. Cậu đi xem rồi trở ra thành phố thương lượng với người ta. Mà này, sau này nằm có bị kiến với trùn, mối nhiều quá thì đừng có mắng vốn tôi đấy nhé! Cụ Chương cười thật đôn hậu. Hai người đi trước, Thủy và ông Thanh đi sau. Cụ Chương ghé tai chàng nói nhỏ: - Cô ấy ngoan lắm, con nhà đàng hoàng, tính tình hiền lành, lần đầu tiên tôi thấy cô ấy vui vẻ dạn dĩ với một người đàn ông là cậu đó. Nếu duyên định cô cậu gặp nhau dưới này cũng hay. Ðiềm cười theo, chưa dám thổ lộ nhiều, chỉ mới lần đầu, biết Thủy xem chàng ở vai vị nào. Ðiềm thấy có nhiều đứa trẻ ở đâu chạy chơi trong khu nghĩa trang. Có đứa tụ nhau đánh đáo, bắn bi, có đứa chơi ô quan, và có một đứa chạy ngang khoanh tay chào cụ Chương. Chàng biết chúng là ma, nhưng có cảm tưởng chúng mới vừa ngủ trưa dậy ra sân chơi. Trông chúng cũng hồn nhiên không khác mấy những đứa trẻ trong trường học, chỉ có điều đứa nào cũng mặc đồ mới. Ðiềm đi xem đất và bằng lòng lắm. Khoanh đất mát mẻ, có bóng cây, không bị mộ nào lấn. Ðất cứng không sợ bị xụp, chỉ xa lối vào nghĩa trang nhưng được cái ở gần chỗ Thủy nằm. Nghĩ mai mốt có thể qua lại chỗ Thủy, chàng đã vừa ý. Ðiềm ra về sau khi cụ Chương cho chàng địa chỉ của người chủ đất. Lúc bước ra cổng, Ðiềm thấy bà già bán nhang đang ngủ gật. Người phu xe trông thấy chàng ngồi bật dậy, rời lòng xích lô dẩy nẩy: - Bắt đợi cả buổi như vầy ông phải tăng tiền cho tôi! - Anh cầm lấy tất. Ðiềm móc túi còn bao nhiêu tiền trao hết cho người phu xe. Trình giấy cho người bộ đội gác cổng ngoài rồi chàng bảo người phu đánh xe lên Phú Nhuận. Rời Bắc Việt Nghĩa Trang, trên đường Chi Lăng Ðiềm lại phân vân nửa muốn về nhà báo tin mừng cho mẹ, nửa ngập ngừng nhớ cái không khí đưa đám ở nhà mình từ khi bác sĩ bảo bó tay. Suy nghĩ một chốc rồi chàng đổi ý, quay gọi người phu xe chở chàng đến thẳng cái địa chỉ cụ Chương vừa cho. Lùi - Tiếp theo >> lon to THẾ GIỚI SEX

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét