Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Bóng Câu Qua Cửa Sổ 2

lon to << Lùi - Tiếp theo Trang 2 trong tổng số 2 Tới nhà bà mới biết ông vừa mới ra về ít phút. Anh cháu bà kể lại, lúc bà vừa đi thì ông gọi điện tới. Cháu bà hẹn ông chiều lại chơi. Khoảng một tiếng sau có một ông già cao gầy xuất hiện. Ông mặc chiếc áo trắng phẳng phiu, cổ thắt chiếc cà vạt tuy lỗi mốt nhưng vẫn còn mới, vì chắc là ít dùng, bên ngoài khoác chiếc áo bợt màu nhưng không một vết sờn. Ông cầm trên tay một bó hoa hồng và một cái lẵng mây nhỏ. - Chào cậu. Tôi là bạn của bà Tú. - Mời bác vào chơi. Rất tiếc là cô cháu đi vắng! - Tôi biết vì chính tôi là người gọi điện thoại lúc nãy. - Bác cứ ngồi chơi đợi cô cháu, chắc cô cháu cũng sắp về rồi. Anh pha ấm trà ướp sen mời ông. Ông ôm chén trà trong lòng bàn tay, lim dim nhấp từng ngụm nhỏ với vẻ mặt khoan khoái. - Cô cháu hễ về muộn giờ là cháu lo lắm. Người ta đi lại có kể gì đường sá, luật lệ đâu, mà cô cháu lại mắt kém nữa. - Sao, bà ấy mắt kém lắm à? - Ông có vẻ hơi thảng thốt. - Vâng, cô cháu phải đeo kính tận bảy điốp đấy bác ạ! - Đến thế kia ư? Thế thì mắt như keo màng rồi còn gì? - Đúng thế đấy bác ạ! - Người cháu vẫn vô tư không để ý gương mặt vị khách như có đám mây đen vừa lướt qua. - Cậu có biết ngày xưa cô của cậu đã từng là hoa khôi khóa học trường Đồng Khánh không? - Cháu có nghe bố cháu kể. Nhưng bây giờ nhìn cô cháu thật cũng khó hình dung...? Bố cháu bảo có người mê đôi mắt của cô cháu mà làm một bài thơ, ví đôi mắt ấy như một hồ thu mà người ấy có thể thỏa thuê bơi lội ở trong đó. Các cụ ngày xưa tán nhau lãng mạn ghê. - Anh cháu bật cười. - Tán thế thì có vững như Vạn Lý Trường Thành cũng phải đổ bác nhỉ? - Ấy vậy mà không hẳn như thế đâu cậu ạ! - Ông già buồn buồn. - Ngày xưa nói được lời yêu không dễ như bây giờ. Nghe được lòng nhau rồi nhưng vẫn còn phải đợi như đợi quả chín tới ấy. Nhiều mối tình không thành như lỗi hẹn, nhưng đã nên duyên thì bền chắc lắm. Dáng ông đã khòm nay chợt còng trĩu xuống sau câu nói ấy. Rồi ông xin phép ra về mặc cho anh cháu giữ thế nào cũng không được. Trước lúc đứng lên ông chợt buông câu nói trong tiếng thở dài nhè nhẹ. - Thôi thế cũng là may! Anh cháu ngạc nhiên nhìn ông. - Bác nói sao cơ ạ? Ông khẽ lắc đầu và cười mơ mộng, nói lời từ biệt: - Nếu bà nhà về xin cậu chuyển giúp tôi lời chào. Mong bà có nhiều ngày vui trên quê nhà. Kể xong anh cháu đưa chiếc giỏ mây quà của ông già cho bà. Bà mở ra. Có một gói lá sen vuông vắn, hai cọng rơm màu xanh nhạt buộc hình chữ thập nằm gọn bên trong. Đó là mấy lạng cốm giót mỏng như tơ nhện, ngào ngạt. Anh cháu nhìn món quà có vẻ ngạc nhiên lắm. - Bác ấy cẩn thận ghê. Nhìn cách ăn mặc cũng đã đoán ra. Bà nhúm một ít cốm ra lòng bàn tay rồi phong gói cốm lại như cũ. Bà nhặt từng hạt cốm mỏng lên khẽ nhằn ở đầu lưỡi để hưởng cái vị ngòn ngọt, dẻo thơm của nó. Nhìn vẻ mặt tư lự của bà, lúc sau anh cháu mới dám hỏi. - Đến không gặp cô mà bác ấy bảo là may cô ạ? Mà trước đó bác ấy đã gọi điện, biết cô không có nhà nhưng vẫn đến là thế nào? Hay là bác ấy không muốn gặp cô nhưng lại không thể không đến? Bà khẽ cười lắc đầu. - Không phải thế đâu... à, ông ấy trông thế nào hả cháu? - Trông đã thấy là người chỉn chu. - Anh cháu không hiểu ý vui vẻ nói. - Dáng vẻ phong nhã lắm, mặc dù đã già. Đôi giày của bác ấy tuy cũ nhưng không một hạt bụi. Nhìn đôi giày của cháu mà phát ngượng. Không nghe lời tả tỉ mỉ của anh cháu, bà mơ màng nói. - Ông ấy ngày xưa đẹp lắm đấy. Bao nhiêu cô gái liêu xiêu vì nụ cười của ông ấy. - Hay nhỉ, nghe bác ấy và cô nói chuyện cháu có cảm giác ngày ấy bác và cô đẹp nhất Hà Thành này. Anh cháu cười, còn bà xấu hổ chống chế. - Cô thì đẹp gì đâu! Thấy bà cô vui vẻ, anh cháu mạnh dạn hỏi: - Cô ơi cho cháu tò mò một chút, ai ngày trước mê đôi mắt của cô mà làm thơ tặng thế? Người ấy bây giờ có còn không? - Còn chứ. Mà nhắc lại chuyện đó làm gì? Đột nhiên bà tháo cặp kính ra day day đôi mắt nhăn nheo đã bị sụp mí lờ đờ, dài dại. - Giá mà cháu được gặp người ấy nhỉ? - Sao lại phải thế? Bà đeo cặp kính lại nhìn anh cháu vẻ tò mò. - Để nghe họ nói chuyện cô ạ. Cách những người ấy nói chuyện khác với bây giờ lắm. - Ừ, mỗi một thế hệ, một thời đại có một thứ ngôn ngữ riêng mà, cũng như cách người ta yêu nhau vậy. Vừa lúc ấy có khách của anh cháu đến. Tới cửa anh ta đã nói oang oang. - Lặn đâu mà khiếp thế. Tìm ông suốt mấy ngày hôm nay. Không tóm được ông từ hôm tôi mới ở Pháp về chơi. Khách cười gật đầu. - Chào cô! - Rồi anh ta quay sang chủ nhà thao thao. - Việc đến đít rồi mà ông vẫn còn nhẩn nhơ được. Đã dịch xong chưa để tôi còn gửi sang cho họ? - Còn một ít nữa. Cái luận văn này phức tạp hơn cái trước nên phải rất thận trọng. Hẹn ông một tuần nữa. Khách phẩy tay tỏ ý bất mãn. - Ông điên à? Miễn sao nó hiểu là được. Mà làm sao hiểu được? Bàn luận với tây về văn học chiến tranh Việt Nam khác nào gõ trống cho mấy thằng điếc nghe. Phiên phiến thôi. Bọn nó ô kê tất ấy mà. Thôi được, một tuần nữa ông đúng hẹn cho đấy. Tôi phải biến đây. Một thằng phun thuốc sâu hôm nay bảo vệ xong luận án chiêu đãi cả bọn, chúng đang đợi tôi về. Anh ta lại khẽ gật đầu chào bà rồi xăm xăm bước ra không đợi chủ nhà ra tiễn. Anh ta đến và đi nhanh như một làn gió tràn qua khoảng trống. Thấy vẻ ngơ ngác của bà cô, anh cháu phân trần. - Anh ta nhận mấy luận văn ở nước ngoài gửi về rồi thuê cháu dịch, đứng giữa ăn hoa hồng. - Thế là thế nào? - Cô không hiểu à? Người ta ra nước ngoài làm luận văn, nhưng viết nó bằng tiếng Việt rồi sau đó mới dịch ra tiếng nước ấy để bảo vệ. - Thế người làm luận văn đâu mà không làm lại gửi ngược về nước thuê dịch thế? - Họ bận làm ăn. Thời gian bỏ ra ngồi dịch luận văn mất của họ bao nhiêu cơ hội và tiền bạc. Sự tính toán đơn thuần vì mục đích kinh tế ấy mà cô. - Thật lòng cô không hiểu? Mà sao cháu lại đi làm những việc như thế? - Có bao nhiêu công việc có bấy nhiêu cách làm ăn, cô không tưởng tượng được đâu. Cháu không làm thì họ cũng thuê người khác. Với lại cháu cũng phải kiếm tiền để sống nữa chứ. Bà lắc đầu thở dài đi vào. Vừa tới cửa buồng cháu bà gọi giật lại. - Cô ơi, suýt nữa cháu quên mất. Bác kia còn dặn là tuần sau bác ấy đi xa vì có việc nhà. Hẹn cô tuần kia bác ấy sẽ đón cô đến nhà chơi. - Thế à! Trên chiếc tủ cạnh đầu giường, một bó hồng đỏ thắm cắm trong chiếc lọ sứ cao thon màu vàng nhạt. Mùi hoa chật cả căn phòng nhỏ. Bà để giỏ mây cạnh bình hoa. Tự nhiên không gian căn phòng bỗng đầy lên và ấm áp hẳn nhờ bức tranh tĩnh vật ấy. Bà chợt thấy lòng mình dễ chịu trong nỗi dịu dàng khôn xiết. Tuần đó bà dành thời gian thăm khắp lượt bạn bè còn lại ở Hà Nội. Những buổi gặp gỡ liên hoan, dạo chơi làm đầy những ngày rỗi rãi. Bà dành nhiều thời gian hơn cho vài người bạn ít may mắn. Một người liệt giường từ mười năm nay sau lần chảy máu não, sống đời sống thực vật. Bà ngồi bên, lặng ngắm nhìn bạn, cố hình dung lại vẻ yêu kiều của một thiếu nữ chuyên làm mẫu chụp ảnh, ngày xưa trong hình hài già nua dăn dúm đó nằm dính sát xuống chiếu mà không sao nhớ nổi. Cái đầu gần như trơ sọ, lơ thơ vài nhúm tóc lởm chởm. Gương mặt như một cái túi da xẹp lép. Giữa bà và người bạn thân thiết thuở nào như đang ở phía bên này và phía mặt trái bên kia của cuộc đời. Ranh giới ràng níu giữa họ là một khoảng trống ngùn ngụt thiêu cháy thậm chí cả những kỷ niệm êm đềm nhất. Cả vùng ký ức đã đóng băng và trên vùng băng giá hoang vu ấy chỉ còn lại một bóng ma nhợt nhạt, bất động. Gần tới lúc ra về bà mới chợt nhận thấy một mùi nặng nặng tỏa ra từ lớp chăn chiếu xô xát, nhàu nhĩ mà từ lúc tới đến giờ bà đã bị vẻ mặt âm hồn trong bạn hút lấy. Ra đến cửa nước mắt bà lã chã rơi ra không sao kìm lại được. Chiều hôm ấy bà bỏ cơm và không sao dứt ra được tâm trạng u uất. Hôm sau nếu không vì có một cuộc hẹn có lẽ bà còn nằm bẹp ở trong buồng. Người hẹn bà đến ăn cơm cũng nằm trong đám bạn học trường Đồng Khánh, ngày trước thường ríu rít bên nhau như bà bạn kia. Bà không nhờ anh cháu đèo đi mà tự đi bộ tới. Căn nhà quá đỗi tồi tàn và thiếu tiện nghi. Vợ chồng họ không có con. Ông chồng trước đây vốn là thư ký cho một hãng buôn, rất giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp và cả tiếng Trung Quốc nữa. Sau năm năm tư, ông là thư ký lưu dung cho một cơ quan thương nghiệp, dưới quyền những anh chàng sơ trung cấp quen nói to đi mạnh. Ông về hưu sớm. Từ khi về hưu ông ra ngồi góc đường Trần Hưng Đạo lấy nghề bán chữ thánh hiền làm kế sinh nhai vì đồng lương còm cõi không đủ nuôi hai vợ chồng. Mỗi khi nhìn thấy người quen từ xa, ông cắm mặt xuống đất hoặc giả vờ lấy tay ôm trán để che mặt. Vài người biết điều đó nên giả bộ làm ngơ và cũng chẳng hỏi han gì. Bà vợ lấy ông khi mới mười tám tuổi, vừa học xong tú tài, và luôn ở nhà lo cơm nước. Cách đây ba năm ông cũng lại bị chảy máu não, bị liệt nửa thân trên, đúng phía bên phải, cánh tay vẽ ra tiền. - Giá mà trời thương tôi, bắt tôi liệt nửa thân dưới thôi thì tốt hơn không? - Ông chồng khó nhọc nói đùa với bà khi bà vừa mới tới. - Với tôi cái nửa dưới có hay không cũng được mà. Bà vợ lôi chiếc áo lụa tơ tằm còn thơm mùi băng phiến ra mặc để đón bạn xa hơn bốn chục năm mới gặp lại. Bà để ý thấy bên vai phải có một vết gián nhấm đã được mạng lại rất khéo. Nếu không tinh ý khó mà nhận ra. Nhìn đôi vai gầy của bạn nhô hoắt sau làn áo mỏng, ngực bà nhói lên nghèn nghẹn. Biết bao bạn nghèo nên trước đó bà đã đề nghị cho bà được thưởng thức món bún riêu cua. Suốt bữa ăn họ chỉ nhắc lại chuyện cũ. Có những điều tưởng không bao giờ nhớ lại nữa, vậy mà nó vẫn cứ nấp kín ở đâu đó, chờ làn gió ký ức nổi lên là lại tìm đường bay về, đậu êm ả xuống tâm hồn đã nhàm tẻ, cằn cỗi vì năm tháng. Những gợi nhớ làm rơi nước mắt tưởng đã khô cạn, làm nhòa cả cặp kính đầu như sương đọng. Mấy lần bà gợi hỏi về đời sống của họ hiện nay nhưng cả hai đều lảng sang chuyện khác. Dường như cảnh nghèo khó không làm họ bận tâm. Mặc dù bà biết, đêm đêm bà vợ vẫn thức khuya ủ lạc làm phá xa để sáng ra giao sớm cho các hàng nước. Phá xa của bạn bà tuyệt ngon nên lúc nào cũng được mời chào. Để người khác biết sự nghèo khó của mình là một điều tệ hại. Kể lể, van xin với người khác về nỗi cơ hàn của mình là một điều nhục nhã. Bà biết bạn thường nghĩ như vậy nhưng vẫn không sao làm ra vẻ thờ ơ với gia cảnh của bạn được. - Thôi cậu ạ! - Bạn bà cười dịu buồn nói. - Thì bọn mình vẫn đang sống đấy thôi. Mà đang sống thì có nghĩa là không chết. Chết được không đơn giản một chút nào, đúng không cậu! Lúc ra về, vợ chồng bạn tháo bức thư Đường do chính tay ông viết trước đây trên giấy dó tặng bà. Bà tiễn bà ra cửa. Hai bóng già ôm nhau xiêu xiêu trong bóng đêm. Họ cười cười nhưng giọng ai cũng nghèn nghẹn và quay mặt đi lén lau nước mắt. Hôm sau thứ bảy, bà dậy từ sớm tinh mơ, khi cả nhà người cháu còn đang ngủ. Bà pha một ấm trà rồi mở cửa sổ cho làn gió sớm còn đẫm sương đêm ùa vào phòng. Thành phố đang trở mình tỉnh giấc. Những ngày qua bà đang phải sống một lúc hai cuộc đời quá khứ và hiện tại. Gương mặt bạn bè tuổi hoa niên nhòa nhòa ẩn hiện. Bà cố tìm những nét thân quen xưa cũ trong ánh mắt mệt mỏi, mờ đục, nụ cười héo hắt trên cặp môi nhăn nheo, trong giọng nói như đang dần tụt sâu vào cõi lòng mà không sao tìm được? Những hình hài trẻ trung thân thương chìm khuất trong tấm thân già nua mệt mỏi. Dường như có mấy con người khác nhau ở một lốt người trong suốt một chặng đời. Chúng khác nhau tới mức bà có giác mình đang bị lừa dối. Và bà cũng đang là kẻ lừa dối đây. Không ư? Họ đã đánh mất nhau bốn nhăm năm để khi trở về chỉ còn nhặt được từ đống tro những mẩu vụn đã méo mó. Những kỷ niệm đang bị đánh tráo. Nhưng bà không thể trở về, cũng không thể không gặp họ, và càng không thể không đau đớn... Vậy phải làm gì đây? Bà thấy mình tựa như một ngọn gió thổi giữa thảo nguyên, không có gì cản trở, nhưng cũng không có khe núi huyền bí nào mời gọi trở về phương ấy cả. Khoảng chín giờ sáng bà gọi điện đến nhà ông. Ông vẫn chưa về. Đúng như bà đã hình dung. Mười lăm phút sau bà ra khỏi nhà. Lần này bà không dạo bộ dọc theo con phố mà bảo tắc xi đỗ kề sát cổng. Không còn nỗi xốn xang như lần trước, mà chỉ còn một nỗi buồn dịu dàng chế ngự bà. Khuôn viên xung quanh ngôi nhà đã bị lạm dụng thê thảm. Những ngôi nhà mái bằng con con đã được xây cất nham nhở ngỗ ngược. Thật may, khoảng trống cạnh gốc hoàng lan thuộc quyền sử dụng của nhà ông thì vẫn giữ được nguyên, nhỏ bé thôi nhưng dường như nó gánh trọn gánh nặng kỷ niệm của ngôi nhà. Bà choáng váng trước người thanh niên ra mở cửa bà. Vẫn cái dáng cao gầy thanh thoát, phong nhã, nụ cười rộng sáng bừng gương mặt. Vẫn là hình ảnh của ông bốn nhăm năm trước... - Mời cô vào nhà ạ! - Anh ta nhắc lại hai lần bà mới thoát ra được nỗi mộng mị của ký ức. Căn phòng nhỏ vẫn giữ nguyên không khí âm u cổ kính. Bộ tràng kỷ bằng gỗ lim đen bóng giữa nhà. - Cô là bạn của bố cháu ngày xưa mới ở Pháp về chơi. - Bà tự giới thiệu. - Cháu có nghe bố cháu nói. Tiếc quá, bố cháu vẫn chưa về. Người anh họ ở trong Nam bị ốm nặng có lẽ khó qua khỏi nên bố cháu chưa dứt ra được. - Vậy à? Chẳng hay ông ấy bị bệnh gì vậy? - Bệnh già ấy mà cô! Bác cháu ngoài tám mươi, cũng là thượng thọ rồi. - Ừ, tuổi ấy trời gọi đi lúc nào phải ra đi thôi. Anh ta mang một ấm trà và đĩa nho mời khách. - Hình như lúc nãy cô vừa gọi điện tới? Nghe giọng cô cháu nhận ra ngay. - Cô gọi đấy! - Biết bố cháu không có nhà mà cô vẫn tới thăm, cô thật chu đáo quá! Bà ngượng ngùng như sợ anh ta đọc thấy ý muốn thầm kín của mình. - Bởi cô không còn nhiều thời gian. Bà ôm chén trà bằng hai tay để kể bên miệng, che khuất bớt gương mặt mỗi lúc một bối rối vì không quen nói dối. - Cháu là con thứ mấy của bố cháu? - Bà chủ động hỏi chuyện để khỏa lấp lòng mình. - Bố mẹ cháu có ba con trai, cháu là con thứ ba cô ạ. - Rồi anh ta cười, nụ cười rộng mở. - Tam nam bất phú. Khi có thai cháu, bố mẹ cháu cứ mơ ước cháu sẽ là gái... Cháu là kẻ tàn phá ước mơ của bố mẹ cháu đấy. - Cô lại chỉ có hai con gái. - Giá mà nhà cháu và nhà cô san sẻ được cho nhau nhỉ? - Anh ta lại cười. Bà nhìn đăm đắm gương mặt anh ta rồi chợt thốt lên. - Cháu giống bố cháu quá. - Bạn bố cháu ai cũng bảo thế. Có lần bố cháu đưa bức ảnh bố cháu chụp hồi còn trẻ cho vợ cháu xem, chính cô ấy còn lầm đấy là cháu cơ mà. Nhưng thế cũng buồn lắm... - Sao lại buồn? - Bà ngạc nhiên. - Bây giờ hàng ngày nhìn bố cháu, cháu đã thấy trước hình ảnh của mình sau mấy chục năm nữa. Còn bố cháu nhìn cháu mà tiếc ngày trẻ. Cả hai cảm xúc đó chẳng thích thú nỗi gì. Bà khẽ cười, nhưng trong lòng tràn ngập một nỗi rưng rưng tê tái. Bà cũng đã từng có ý nghĩ ấy khi nhìn đứa con gái đầu của mình. Còn bé cũng giống như bà từ gương mặt, cho đến dáng đi, tính tình. Bây giờ bốn mươi tuổi, con bé cũng bắt đầu có vẻ âm thầm già nua của bà. Trước khi ra về, bà gửi lại tặng ông một món quà nhỏ. Một chiếc cà vạt lụa và chiếc ghim cài đựng trong chiếc hộp da tuyệt đẹp. Còn trên tấm bưu ảnh gửi kèm theo bà ghi dòng chữ: "Gửi lời chào từ bốn nhăm năm trước!". Tiễn bà ra cổng, anh con trai bắt bà hứa là sẽ quay lại chơi với bố anh và gia đình một lần nữa trước khi ra đi. Bà chỉ cười mà không trả lời. Hôm sau bà bảo anh cháu đèo bà đi đăng ký ngày bay trở lại Pháp. Bà quyết định trở về nhà sớm hơn so với dự định một tuần. Cả gia đình nhà cháu nài nỉ thế nào bà cũng một mực là còn nhiều việc đang đợi ở nhà, không yên tâm chơi thêm nữa. Bà dồn toàn bộ số tiền còn mang theo, chia nhỏ thành phong bì có đề sẵn địa chỉ của những người bạn khốn khó, nhờ anh cháu gần tết mang đến tận nhà họ giúp bà, coi như tiền mừng tuổi bà gửi về biếu tặng. Bà cảm thấy mọi nỗi niềm dịu đi sau việc làm ấy, lòng nhủ lòng, còn những việc khác thôi lần sau, lần sau... Biết có lần sau không, chính lòng bà cũng mịt mùng chẳng rõ nữa? Thôi thì trước lúc ra đi không hẹn được ngày về, bà cũng còn để lại chút kỷ niệm trinh nguyên mãi. Bà chẳng phải mang theo những vấn vương, những xót xa, những nhẫn chịu về nhau khi hai bóng già nua soi trong đáy mắt người kia, tìm lại hình bóng thuở xưa và những nguồn cơn bối rối thuở ban đầu của mình. Hãy cứ để những giọt mưa đọng trên tán lá bàng đổ đầy vào hai hồ thu trong vắt biếc xanh lung linh nắng vàng mật chẳng bao giờ khô cạn. Hãy cứ để chàng trai chèo thuyền với nụ cười rộng mở trong hồ thu ấy mãi mãi tuổi hai mươi... << Lùi - Tiếp theo lon to THẾ GIỚI SEX

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét